Cuộc đời Kiya

Mãi cho đến năm 1959, tên và danh hiệu của Kiya mới được biết tới thông qua những dòng chữ khắc trên một cái bình nhỏ được lưu giữ tại Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan[8].

Tên của Kiya được khắc trên một ngôi đền với tên gọi là Maru-Aten. Nhưng những ký tự tên bà lại bị sửa thành Meritaten, con gái lớn của chồng bà. Nhiều bản khắc có tên bà trên các nhà nguyện, đền thờ cũng bị đổi sang tên của chị em Meritaten và Ankhesenpaaten[4].

Bên trong lăng mộ KV55, có một chiếc quan tài gỗ được mạ vàng. Trên chiếc giường đặt quan tài có khắc một lời cầu nguyện dành cho một phụ nữ, nhưng sau đó lại bị sửa thành dành cho đàn ông[9]. Các nhà sử học đều cho Kiya vốn là chủ sở hữu ban đầu của nó[10].

Những bức tranh về Kiya đều được khắc lại thành chân dung các thành viên khác trong hoàng tộc. Theo tiến sĩ Aidan Dodson, lời giải thích hợp lý cho sự biến mất đột ngột của bà là bị thất sủng. Nếu Kiya là mẹ của Tutankhamun, thì việc này có liên quan đến Nefertiti, do hoàng hậu không sinh được con trai nên đã "trả thù", theo Nicholas Reeves[11]. Sau khi lập luận rằng Kiya là công chúa ngoại quốc Tadukhipa, Marc Gabolde cho rằng bà bị trả về quê hương do sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Ai Cập và Mitanni[12].

Một số ghi chép còn sót lại cho thấy Kiya có một người con gái, nhưng không được lưu lại tên[4]. Nhà Ai Cập học Marc Gabolde cho rằng, Beketaten có thể là con gái bà[12]. Vì người mẹ bị thất sủng nên công chúa cũng bị ảnh hưởng, và tên của công chúa cũng bị xóa bỏ. Sau khi Kiya qua đời, có thể công chúa được nuôi bởi người bà của mình, Vương hậu Tiye[13].